Đặc điểm Panduranga

Panduranga cùng với Kauthara là hai địa khu của bộ tộc Cau sinh sống, một trong hai bộ tộc chính hình thành nên người Chăm sau này, tại Panduranga sớm hình thành các đô thị ven biển mà người chăm vốn lành nghề về hàng hải. Các đô thị vẫn còn tồn tại đến ngày nay tại Việt Nam với các tên gọi chuyển sang Hán Việt như: Parang thành Phan Rang, Panrik thành Phan Rí, Pajai thành Phan Thiết. Các công trình kiến trúc về tôn giáo như các tháp Chăm được xây dựng liên tục qua các thời kỳ, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 17. Các tháp Po Nagar (ở thế kỷ 8), tháp Hòa Lai, tháp Phú Hài, tháp Po Dam (thế kỷ 9), tháp Po Klaung Garai (thế kỷ 13), tháp Po Rome (thế kỷ 17).

Panduranga là địa khu cuối cùng của người Chăm trước khi bị sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam năm 1832. Vì thế hiện nay, số lượng người Chăm tập trung và sinh sống ở đây nhiều nhất nước. Các khu vực đông người Chăm sống là các làng ở Phan Rang, Ninh Phước, Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận các làng ở Bắc Bình, Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Hiện nay người Chăm ở đây đang còn khoảng 100.000 người và vẫn giữ lại được các tập tục cổ xưa.